Các công trình và tượng khắc Khufu

Tượng khắc

Bức tượng duy nhất của Khufu còn tồn tại gần như nguyên vẹn tới ngày nay là một bức tượng bằng ngà voi nhỏ với tên gọi Bức tượng của Khufu. Nó khắc họa chân dung của nhà vua cùng với vương miện đỏ của Hạ Ai Cập.[23] Nhà vua đang ngồi trên ngai vàng với phần tựa lưng ngắn, ở phía bên phải đầu gối của ông là tên Horus Medjedu. Khufu cầm chiếc néo trong tay phải của ông còn tay trái đặt lên trên chân trái của ông. Bức tượng này đã được Flinders Petrie tìm thấy tại Kom el-Sultan gần Abydos vào năm 1903. Ban đầu, bức tượng nhỏ này được tìm thấy trong tình trạng mất đầu; Theo Petrie nguyên nhân gây nên là do một tai nạn trong khi đào bới. Khi Petrie nhận ra tầm quan trọng của hiện vật này, ông ta đã cho dừng tất cả các công việc khác và treo thưởng cho bất kỳ người công nhân nào có thể tìm thấy phần đầu của nó. Phần đầu của bức tượng chỉ được tìm thấy ba tuần sau đó.[24] Ngày nay, bức tượng nhỏ này đã được khôi phục và trưng bày tại bảo tàng Ai Cập ở Cairo trong phòng 32 với số thứ tự là JE 36143.[25] Hầu hết các nhà Ai Cập học đều tin rằng bức tượng nhỏ này có niên đại thuộc về triều đại của ông, nhưng có một số học giả như là Zahi Hawass thì lại cho rằng đây là một bản sao nghệ thuật vào thời kỳ vương triều thứ 26. Ông ta lập luận rằng không có bất cứ tòa nhà nào mà có niên đại một cách chắc chắn là thuộc về vương triều thứ 4 mà đã từng được khai quật tại Kom el-Sultan hay Abydos. Hơn nữa, ông ta còn chỉ ra rằng khuôn mặt của Khufu ở đây lại mang dáng vẻ của một người mập mạp cùng với nét mặt vô cảm. Hawass đã so sánh khuôn mặt của bức tượng này với dạng khuôn mặt điển hình trên những bức tượng của các vị vua cùng thời, như Sneferu, KhaefraMenkaura. Khuôn mặt của ba vị vua này thậm chí còn đẹp đẽ, với sự mảnh khảnh và nét mặt phúc hậu- đây rõ ràng là kiểu hình mẫu lý tưởng; Chúng đều không dựa trên thực tế. Thay vào đó, diện mạo của Khufu trên bức tượng ngà voi này lại giống như là tác phẩm của một người nghệ sĩ đã không thực sự chú tâm vào tay nghề của mình hoặc đã thực sự siêng năng. Ngay cả bản thân vua Khufu cũng không bao giờ cho phép trưng bày một tác phẩm tương đối cẩu thả như vậy. Và cuối cùng, Hawass còn lập luận rằng kiểu dáng của chiếc ngai vàng lại không giống với phong cách nghệ thuật của bất cứ hiện vật nào có niên đại thuộc về thời kỳ Cổ vương quốc. Những chiếc ngai vàng của thời kỳ Cổ vương quốc có phần tựa lưng cao đến ngang phần cổ của một vị vua. Nhưng mà bằng chứng quan trọng nhất đã khiến cho Hawass tin rằng bức tượng này là một bản sao nghệ thuật thuộc về giai đoạn rất lâu sau đó chính là biểu tượng chiếc néo-Nehenekh trong tay phải của Khufu. Hình ảnh một vị vua được miêu tả cùng với một chiếc néo chỉ xuất hiện sớm nhất là vào thời kỳ Trung vương quốc. Do đó Zahi Hawass kết luận rằng bức tượng này có thể đã được tạo ra như là một lá bùa hộ mệnh hoặc bùa may mắn để bán cho những người dân sùng đạo.[23][25]

Đầu tượng bằng ngà voi của Khufu trưng bàu tại Bảo tàng Altes

Ban đầu, các nhà nghiên cứu thường cho rằng bức tượng nhỏ này là bức tượng duy nhất của vua Khufu còn nguyên vẹn đến ngày nay. Tuy nhiên, điều này hiện nay không còn đúng nữa. Các cuộc khai quật diễn ra ở Saqqara vào năm 2001 và 2003 đã khám phá ra một cặp tượng bằng đất nung miêu tả một nữ thần sư tử (có thể là thần Bastet hay Sakhmet). Trên đôi chân của nữ thần, hai bức tượng trong dáng vẻ trẻ con của hai vị vua vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trong khi bức tượng bên phải có thể được xác định là vua Khufu nhờ vào tên Horus của ông, bức tượng còn lại được xác định là thuộc về vua Pepy I của vương triều thứ 6, nhờ vào tên gọi thủa nhỏ của ông ta. Rõ ràng là bức tượng nhỏ của vua Pepy chỉ được thêm vào sau này, bởi vì chúng nằm tách riêng và nằm cách vị thần một khoảng. Cả hai nhóm tượng này đều được tạc theo cách thức tương tự nhau (cả hai đều có cùng kích cỡ và tỷ lệ), sự khác biệt duy nhất đó là một nữ thần sư tử nắm giữ một cây quyền trượng. Các nhà khảo cổ học còn nhận thấy rằng những pho tượng này đã được phục dựng lại vào thời kỳ Trung vương quốc, sau khi chúng bị vỡ. Tuy nhiên, dường như nguyên nhân dẫn đến việc phục dựng lại chúng là do tầm quan trọng của vị nữ thần hơn là dành cho việc thờ cúng các vị vua: tên của họ đã bị thạch cao bao phủ[26].

Trên mảnh vỡ C-2 của tấm bia đá Palermo đã ghi lại rằng có hai bức tượng đứng to lớn của nhà vua đã được tạo ra, trong đó mộtbức tượng được làm bằng đồng, còn bức tượng còn lại thì được làm từ vàng nguyên chất[5][23].

Hơn nữa, một số mảnh vỡ bằng đá thạch cao tuyết hoa và travertine của những bức tượng ngồi được George Reisner tìm thấy trong các cuộc khai quật tại Giza đã từng được chạm khắc đầy đủ vương hiệu của Khufu. Trong số những mảnh vỡ của một bức tượng ngồi nhỏ có một mảnh vỡ khắc từ phần khuỷu chân của nhà vua trở xuống. Bên phải của chúng là tên... fu trong đồ hình mà có thể quan sát thấy được, và nó có thể dễ dàng được phục dựng lại như là tên đồ hình của Khufu[23][27].

Ngoài ra còn có hai hiện vật khác được trưng bày tại Bảo tàng Roemer-und Pelizaeus-Hildesheim được làm bằng đá thạch cao tuyết hoa. Một trong số đó có phần đầu là một nữ thần mèo (có thể là thần Bastet hoặc Sakhmet). Vị trí cánh tay phải của vị nữ thần cho thấy rằng bức tượng này trước kia đã từng thuộc về một nhóm tượng giống như những bức tượng bộ ba nổi tiếng của Mycerinus[28].

Một vài đầu tượng khác cũng có thể thuộc về Khufu. Một trong số đó có tên gọi là "đầu tượng Brooklyn" nằm trong Bảo tàng Brooklyn ở thành phố New York. Nó có kích thước 54,3 cm và được làm bằng đá granite màu hồng. Bởi vì đầu tượng này có gò má phúng phính thế nên nó được cho là của Khufu hoặc là của vua Huni.[29] Một hiện vật tương tự cũng được trưng bày trong bộ sưu tập nghệ thuật Ai Cập của bang ở Munich. Phần đầu của nó được làm bằng đá vôi và chỉ có kích thước tương đối nhỏ là 5,7 cm.[30]

Phù điêu

Mảnh vỡ phù điêu khắc họa Khufu cùng với Vương miện đỏ

Hình ảnh của vua Khufu còn xuất hiện trên một vài mảnh phù điêu vỡ được phát hiện rải rác trong khu nghĩa địa của ông và ở những nơi khác. Tất cả các phù điêu này đều được chế tác từ loại đá vôi có chất lượng cao. Một vài phù điêu trong số đó đến từ khu đền thờ đổ nát của kim tự tháp và con đường đắp đã bị phá hủy, những bức tường của nó đã từng được bao phủ toàn bộ bằng các bức phù điêu này. Một số phù điêu khác lại được tái sử dụng trong vực nghĩa địa kim tự tháp của vua Amenemhat I tại Lisht cũng như tại TanisBubastis[5][23] Một mảnh phù điêu vỡ trong số đó có chạm khắc đồ hình của vua Khufu cùng với câu: "Dựng nên thánh địa của các vị thần". Một cái khác thì lại được trang trí bằng hình ảnh một đàn bò béo tốt cùng với những bông hoa -chúng đã được chuẩn bị sẵn sàng như là những lễ vật trong nghi lễ hiến tế. Và một bức phù điêu khác thì lại khắc họa hình ảnh nhà vua đội vương miện kép và đang săn một con hà mã.[31][32]

Tại Wadi MagharehSinai, có một bản khắc đá ghi lại tên và vương hiệu của Khufu như sau: "Hor-Medjedu, Khnum-Khuf, Bikuj-Nebu, vị thần vĩ đại và người kết liễu những kẻ sống trong hang động, cầu cho ngài luôn được phù hộ và mãi trường tồn". Trong một cảnh tượng khác vua Khufu lại đội vương miện kép và ngay gần bên cạnh là hình ảnh của thần Thoth. Trong một cảnh tượng khác nằm gần đó, Khufu đội vương miện Atef trong khi đang kết liễu một kẻ thù. Trong cảnh tượng này còn có sự xuất hiện của thần Wepwawet[19][33].

Một điều thú vị đó là không có bất cứ mảnh phù điêu vỡ nào khắc họa cảnh tượng vua Khufu đang dâng lễ vật lên cho một vị thần. Đây thực sự là một điều đáng lưu ý, bởi vì trên những bức phù điêu của Sneferu và của tất cả các vị vua từ Menkaura trở đi đều khắc họa cảnh tượng nhà vua đang dâng lễ vật lên cho một vị thần. Có thể chính bởi vì không có những phù điêu khắc họa cảnh tượng đặc biệt này đã khiến các sử gia Hy Lạp cổ đại cho rằng Khufu có thể đã thực sự đóng cửa tất cả các đền thờ và cấm tiến hành tất cả các nghi lễ hiến tế.[23][34]

Khu vực nghĩa trang Kim tự tháp

Bản đồ khu nghĩa trang của KhufuĐại Kim tự tháp.Vết dấu triện của Khufu cùng với tên của khu nghĩa trang của ông Akhet-Khufu.Tượng nhân sư lớn

Khu nghĩa trang nằm trong phức hợp kim tự tháp của Khufu được xây dựng ở khu vực phía đông bắc của cao nguyên Giza. Có thể bởi vì thiếu không gian xây dựng cũng như không có các mỏ đá vôi ở địa phương và nền đất ở Dahshur lại yếu cho nên buộc vua Khufu phải di chuyển vị trí của nó về phía bắc và cách xa khu nghĩa trang của vị tiên vương Sneferu. Khufu đã chọn khu vực đỉnh đồi của một cao nguyên tự nhiên để từ vị trí đó có thể quan sát được kim tự tháp tương lai của ông một cách rõ ràng. Khufu quyết định gọi khu nghĩa trang của ông là Akhet-Khufu (nghĩa là "chân trời của Khufu")[35][36][37][38].

Đại Kim tự tháp có kích thước vào khoảng 750 x 750 ft (≙ 230,4 x 230,4 m) và ngày nay chiều cao của nó là 455,2 ft (≙ 138,8 m). Chiều cao ban đầu của nó là 481 ft (≙ 146.5 m), nhưng mà sau đó khối mũ đá hình chóp và lớp vỏ đá vôi đã bị cướp đi mất. Do lớp vỏ bên ngoài đã bị lấy đi cho nên chúng ta có thể nhìn thấy được toàn bộ phần lõi bên trong của kim tự tháp. Phần lõi bên trong được tạo nên từ những khối đá vôi có màu tối trong khi lớp vỏ ngoài của nó được chế tác từ đá vôi trắng. Khối mũ đá hình chóp có thể đã từng được che phủ bằng một lớp hợp kim vàng và bạc, nhưng hiện nay không có bằng chứng khảo cổ học nào chứng minh cho luận điểm trên. Tường và trần nhà của các hành lang cùng với các căn phòng bên trong kim tự tháp được làm từ đá granite bóng, nó là một trong những loại đá cứng nhất được biết đến dưới triều đại của Khufu. Loại vữa được sử dụng là một hỗn hợp của thạch cao, cát, bột đá vôi và nước.[35][36][37]

Lối vào ban đầu của công trình này nằm ở phía bắc và nó có ba căn phòng: nằm ở phía trên cùng là căn phòng chôn cất của nhà vua (phòng nhà vua), nằm ở giữa là phòng tượng (nó thường bị gọi sai là phòng hoàng hậu) và một căn phòng ngầm chưa hoàn thiện (phòng ngầm) nằm bên dưới phần móng của kim tự tháp. Trong khi căn phòng chôn cất được xác định nhờ vào cỗ quan tài lớn được làm từ đá granite ở bên trong nó, mục đích sử dụng của căn "phòng hoàng hậu" hiện vẫn còn đang nằm trong vòng tranh luận - có thể đây là nơi đặt bức tượng Ka của Khufu. Căn phòng ngầm nằm bên dưới mặt đất vẫn còn là một bí ẩn. Nó vẫn chưa được xây dựng xong; Ở đoạn cuối của căn phòng này về hướng tây có một hành lang hẹp chạy theo hướng nam và một đường thông chưa hoàn chỉnh nằm ở phần chính giữa về phía đông của căn phòng có thể giúp chỉ ra rằng căn phòng ngầm này là căn phòng đầu tiên được xây dựng trong số ba căn phòng của kim tự tháp và kế hoạch xây dựng ban đầu chỉ là một phức hợp đơn giản với một vài căn phòng và các hành lang. Nhưng vì một số nguyên nhân nào đó, công trình này đã bị dừng lại và hai căn phòng khác đã được xây dựng. Một điều đáng lưu ý nữa đó là Hành lang lớn dẫn đến phòng nhà vua: chiều cao của nó là 28,7 ft và dài 151,3 ft. Hành lang này giữ một vai trò rất quan trọng, nó giúp làm phân tán trọng lượng của các khối đá nằm phía trên phòng nhà vua ra xung quanh phần lõi của kim tự tháp.[35][36][37]

Kim tự tháp Khufu được bao quanh bởi một bức tường ngăn, mỗi đoạn tường cách kim tự tháp 33 ft (≙ 10.1 m). Nằm ở phía đông và ngay phía trước mặt của kim tự tháp là ngôi đền tang lễ. Phần móng của nó được xây dựng bằng đá bazan màu đen, nó vẫn còn khá nguyên vẹn đến ngày nay. Các cột trụ và những cánh cổng được xây dựng bằng đá granite đỏ, trong khi trần đá được xây bằng đá vôi trắng. Ngày nay ngôi đền này đã không còn nữa. Một con đường đắp dài 0,43 dặm đã nối ngôi đền tang lễ với ngôi đền thung lũng. Ngôi đền thung lũng có thể cũng được xây dựng bằng loại vật liệu giống như ngôi đền tang lễ, nhưng do phần móng của nó không còn tồn tại tới tận ngày nay cho nên hình dạng và kích thước ban đầu của ngôi đền thung lũng vẫn chưa được biết rõ[35][36][37][38]

Nằm ở phía đông của kim tự tháp Khufu còn có khu nghĩa trang phía Đông, tại đây có các mastaba của các vị hoàng tử và công chúa. Ngoài ra còn có ba kim tự tháp vệ tinh nhỏ thuộc về các Hoàng hậu là Hetepheres (G1-a), Meritites I (G1-b) và Henutsen (G1-c), chúng được xây dựng ở góc đông nam của kim tự tháp Khufu. Nằm gần ngay phía đằng sau các kim tự tháp nữ hoàng G1-b và G1-c, một kim tự tháp thờ cúng của Khufu đã được tìm thấy vào năm 2005. Tại khu vực phía nam của Đại Kim tự tháp có một số mastaba khác cùng với các hố chôn những con thuyền tang lễ của Khufu. Nằm về phía Tây là khu nghĩa trang phía Tây, đây là nơi chôn cất những vị quan lớn trong triều đình cùng các vị tư tế.[35][36][37][38]

Có thể bức tượng Nhân sư lớn ở Giza cũng là một phần trong khu phức hợp nghĩa trang của Khufu. Nó được tạc trực tiếp từ đá vôi với kích thước 241 x 66,6 ft (≙ 73,5 x 20,11 m) với hình dáng đầu người mình sư tử, và đội chiếc khăn trùm đầu Nemes của hoàng gia. Ban đầu bức tượng này được sơn màu đỏ, nâu nhạt, màu xanh lục và đen. Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về việc ai mới là người đã ra lệnh xây dựng bức tượng này: nhiều khả năng có thể chính là Khufu hoặc là một trong hai người con trai của ông là Djedefra và Khaefra. Một bí ẩn khác nữa đó là vai trò ban đầu của bức tượng nhân sư này, mang tính tôn giáo hay biểu tượng. Người Ai Cập sau này gọi nó là Heru-im-Akhet (Hârmachís, "horus ở phía chân trời") và Abu el-Hὀl ("Chúa tể của nỗi kinh hoàng") bởi người Ả Rập. Có thể bức tượng nhân sư chỉ đơn giản đóng vai trò như là người bảo vệ cho khu nghĩa trang thiêng liêng của Giza[35][36][37][38].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khufu http://news.discovery.com/history/ancient-egypt/wo... http://www.fjexpeditions.com/desert/archeology/anc... http://edoc3.bibliothek.uni-halle.de/lepsius/tafel... http://www.academia.edu/489734/A_Sacred_Hillside_a... http://ssd.jpl.nasa.gov/sbdb.cgi?sstr=3362+Khufu http://guardians.net/hawass/khufu.htm http://www.ancient-egypt.org/kings/04/0402_kheops/... http://www.mfa.org/collections/object/feet-and-bas... https://www.academia.edu/1819574/Wadi_al-Jarf_-_An... https://www.academia.edu/6268371/The_Harbor_of_Khu...